Đăng ký tạm ngừng kinh doanh qua mạng là việc cần làm để thực hiện thủ tục tạm ngưng công ty khi doanh nghiệp dừng việc kinh doanh trong một thời gian cố định cụ thể.
Các quy định của pháp luật về tạm ngừng kinh doanh
Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 nêu rõ các trường hợp tạm ngừng hoạt động, bao gồm: doanh nghiệp chủ động quyết định tạm ngưng; doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan có thẩm quyền liên quan khi phát hiện có hành vi vi phạm hoặc không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Về thời gian đăng ký tạm ngừng kinh doanh: doanh nghiệp phải thông báo cho phòng đăng ký kinh doanh tối thiểu trước 3 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu tạm ngừng. Ví dụ cụ thể: Nếu doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng từ thứ Tư ngày 1/6/2022 thì bắt buộc hồ sơ thông báo phải gửi muộn nhất là ngày 26/05/2022.
Về thời gian tạm ngừng kinh doanh: không giới hạn thời gian nhưng mỗi lần thông báo thực hiện cho thời gian tạm ngưng tối đa là 01 năm. Nếu doanh nghiệp muốn tạm ngưng 2 năm thì phải thông báo 2 lần, 3 năm phải thông báo 3 lần,…..Để thuận lợi cho công tác hạch toán kế toán, nộp các loại tờ khai và báo cáo cũng như được miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp cần cân nhắc việc đăng ký thời gian tạm ngưng trọn vẹn 01 năm từ ngày 01/01 đến 31/12. Trường hợp thời điểm thực hiện không bắt đầu từ ngày 01/01 thì doanh nghiệp chọn thời điểm kết thúc là ngày 31/12 sau đó tiếp tục thông báo tạm ngưng trọn vẹn cho 1 năm mới.
Về các nghĩa vụ trong thời gian tạm ngừng kinh doanh: nghĩa vụ thuế (nộp đầy đủ các loại thuế, tờ khai thuế, báo cáo còn nợ); nghĩa vụ bảo hiểm xã hội (tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ và của các tháng vẫn tiếp tục phát sinh); nghĩa vụ với đối tác (thanh toán nợ, thu hồi công nợ,…); nghĩa vụ với người lao động (trả nợ lương, trả các khoản lương thù lao vẫn tiếp tục phát sinh). Doanh nghiệp cần chú ý thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ này ngay cả khi doanh nghiệp đã tạm ngưng, nếu không thực hiện đầy đủ sẽ bị cơ quan quản lý phạt nếu phạt hiện vi phạm. Hiện nay các mức phạt vi phạm quy định về thuế và các lĩnh vực khác ngày càng tăng cao nên doanh nghiệp cần thực hiện chuẩn xác quy định để tránh mất thời gian và tốn kém về tài chính vì các khoản phạt không đáng có.
Thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh
Trước hết doanh nghiệp phải chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh, bao gồm
-
Thông báo tạm ngừng: theo mẫu chuẩn của cơ quan đăng ký kinh doanh phát hành, bao gồm các thông tin cụ thể về doanh nghiệp, thời gian bắt đầu và kết thúc tạm ngưng công ty. Khi doanh nghiệp thông báo tạm ngưng thì các chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện trực thuộc của doanh nghiệp cũng phải đồng thời tạm ngừng hoạt động tương ứng với công ty mẹ.
-
Quyết định của chủ sở hữu (nếu là công ty TNHH một thành viên); Quyết định của Hội đồng thành viên (nếu là Công ty TNHH 2 thành viên trở lên); Quyết định của Hội đồng quản trị (nếu là Công ty cổ phần)
-
Văn bản ủy quyền và giấy tờ pháp lý công chứng của cá nhân thực hiện thủ tục
Sau khi chuẩn bị soạn thảo hồ sơ, in ký đóng dấu đầy đủ, doanh nghiệp thực hiện nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Hiện nay có tỉnh chấp nhận nộp hồ sơ bản cứng nhưng tại một số thành phố lớn chỉ chấp nhận nộp hồ sơ đăng ký qua mạng.
Các bước đăng ký tạm ngừng kinh doanh qua mạng
-
Bước 1: Đăng nhập hệ thống đăng ký kinh doanh: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx
-
Bước 2: Lựa chọn khối đăng ký kinh doanh qua mạng:
https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/auth/Public/LogOn.aspx?ReturnUrl=%2fonline%2fdefault.aspx
-
Bước 3: Upload giấy tờ pháp lý cá nhân theo yêu cầu của hệ thống và chờ đợi hệ thống xét duyệt
-
Bước 4: Nhận email phê duyệt tài khoản và mật khẩu đăng nhập đã được hệ thống đăng ký kinh doanh phê duyệt
-
Bước 5: Đăng nhập hệ thống, lựa chọn thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, chọn đăng ký tạm ngừng kinh doanh
-
Bước 6: Điền các khối thông tin theo yêu cầu của hệ thống, upload toàn bộ bản mềm hồ sơ đã liệt kê ở trên
-
Bước 7: Nộp hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh qua mạng. Thủ tục này được miễn không phải nộp phí đăng ký kinh doanh như một số thủ tục khác.
Sau khi nộp hồ sơ, hệ thống sẽ có thông báo qua email đã đăng ký. Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xem xét hồ sơ và thông báo kết quả theo thời gian đã hẹn. Nếu hồ sơ chưa chuẩn xác theo yêu cầu, doanh nghiệp cần chỉnh sửa và nộp lại hồ sơ theo các bước đã hướng dẫn ở trên. Trường hợp hồ sơ đã đáp ứng yêu cầu của cơ quan đăng ký, thông báo hồ sơ hợp lệ sẽ được gửi qua email, doanh nghiệp nhận kết quả bản cứng thông báo tạm ngừng kinh doanh có dấu xác nhận của phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.